Chân dung Trương Nhất Minh, ông chủ đế chế 100 tỷ USD với hàng hot TikTok

Th11 03, 2021
Chang Chen
Kinh doanh

Thành công của TikTok không chỉ tạo nên một mạng xã hội mới, giải trí cho người dùng mà còn đưa người đứng sau ứng dụng này trở thành một tỷ phú. Zhang Yiming (Trương Nhất Minh), kỹ sư phần mềm 36 tuổi, là người sáng lập ra ByteDance và đồng thời là người tạo nên TikTok.   
67E4CE16-514D-42BA-993D-3EC0A733D39B

Tỷ phú Zhang Yi Ming ( Trương Nhất Minh)

Trương Nhất Minh sinh năm 1983 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Cha anh cũng là một người làm về công nghệ còn mẹ anh là một y tá. Không như các bậc cha mẹ kiểm soát con cái một cách nghiêm ngặt, cha mẹ của Trương Nhất Minh luôn truyền cảm hứng và khuyến khích anh thử những điều mới, cho phép anh tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình từ những năm học cấp Hai. Khi bắt đầu vào đại học, anh lựa chọn học ngành vi điện tử. Tuy nhiên, Trương Nhất Minh đã chuyển ngành sang học về công nghệ phần mềm và tốt nghiệp Đại học Nankai vào năm 2005. Vợ của anh cũng chính là bạn học khi còn ở Nankai.   

C8F7F5DF-12F3-4EA7-94D9-9A1EDDDFB875
Đại học Nankai – ngôi trường Trương Nhất Minh theo học  
Sau khi ra trường, Trương Nhất Minh bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Kuxun, một công ty khởi nghiệp chuyên về đặt phòng du lịch trực tuyến. “Tôi là một trong những nhân viên đầu tiên của công ty này. Ban đầu, tôi chỉ là một kỹ sư bình thường, nhưng tới năm thứ hai, tôi phụ trách khoảng 40 đến 50 nhân viên”. Trương Nhất Minh tin rằng công việc đó đã dạy cho anh những kỹ năng bán hàng cần thiết mà sau này anh có thể sử dụng để phát triển ByteDance.

Trước khi thành lập ByteDance vào năm 2012, Trương Nhất Minh đã từng làm việc cho Microsoft. Tính tới thời điểm hiện tại, ByteDance của anh có giá trị lên tới hơn 100 tỷ đô la và trở thành một trong những công ty tư nhân có giá trị cao nhất thế giới (theo Bloomberg). Công ty này còn sở hữu một số ứng dụng mạng xã hội khác hoạt động tại Trung Quốc như FlipChat và Duoshan – những đối thủ của WeChat.

Sản phẩm đầu tiên của Trương Nhất Minh và ByteDance là ứng dụng tổng hợp tin tức có tên Toutiao. Ứng dụng này sử dụng AI (trí thông minh nhân tạo) để tạo ra một nền tảng cung cấp thông tin dựa trên sở thích của người dùng, đây chính là điều mà Toutiao khác biệt so với các kênh tìm kiếm tin tức khác như Baidu hay Paige Leskin của Trung Quốc.

Tháng 8/2012 ứng dụng đọc tin Toutiao của Zhang ra mắt, lúc này ông 29 tuổi. Nền tảng này thu thập thông tin về thói quen đọc và tìm kiếm của người dùng, sau đó gợi ý tin tức cho họ. Người dùng càng đọc nhiều, Toutiao càng hiểu họ hơn và giữ chân họ ở lại lâu hơn trên ứng dụng. Toutiao chính là tiền thân của ByteDance ngày nay. Đây là lần khởi nghiệp thứ 5 của Zhang.

Giữa năm 2014, Toutiao có 13 triệu người dùng thường xuyên mỗi ngày. Đây là ứng dụng đọc báo phổ biến nhất ở Đại lục. Đầu tháng 8/2015, phiên bản quốc tế của Toutiao ra đời với tên gọi TopBuzz và nhanh chóng phổ biến ở Mỹ, Brazil và có thêm nhiều phiên bản khác ở Ấn Độ, Indonesia…

Trong lúc Toutiao đang gặt hái những thành công ngoài mong đợi, bằng sự nhạy bén của mình, Zhang lại nhìn thấy cơ hội ở dịch vụ streaming (phát trực tuyến) mới nổi.

3769AD24-59ED-4F2B-8ED5-10F529AA27EA
Ứng dụng Toutiao của Trương Nhất Minh và ByteDance

Vào tháng 9 năm 2016, ByteDance lần đầu cho ra mắt ứng dụng TikTok dưới cái tên Douyin. Trương Nhất Minh có phong cách lãnh đạo điềm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn, trẻ nhưng khôn ngoan.

ByteDance dần được nhiều người biết đến, nhưng Trương Nhất Minh vẫn ẩn mình trước cộng đồng công nghệ. Trong những lần hiếm hoi xuất hiện, ông luôn khoác lên mình mác kỹ sư máy tính đơn thuần.

Vào tháng 3 năm 2018, anh lần đầu được xướng tên trong danh sách tỷ phú của Forbes, với giá trị tài sản ròng được ước tính ở mức 4 tỷ đô la. TikTok của Trương Nhất Minh đi lên một cách chóng mặt, cho tới thời điểm hiện tại, đây là ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

4E3DEB2C-1C85-43B9-8237-9986D4A6D747
Ở Trung Quốc, những doanh nhân thế hệ Internet như Trương Nhất Minh có chung một mối lo là “ông kẹ” Tencent. Đứng trước tập đoàn Internet đầu ngành của Đại lục, họ có ba lựa chọn: Hoặc là sống, hoặc là chết, hoặc chấp nhận gia nhập Tencent.

Cuối năm 2016, các tin đồn về việc Tencent sẽ mua lại Toutiao xuất hiện ngày càng nhiều. Một nhân viên nói với Minh rằng tôi không tham gia Toutiao để trở thành nhân viên của Tencent. Trương Nhất Minh trả lời ngắn gọn: “Tôi cũng vậy!”.

Để Toutiao, Douyin tránh được cái “chết yểu”, Trương Nhất Minh nhanh chóng ra mắt một phiên bản quốc tế của Douyin dưới tên gọi TikTok. Lúc này, Zhang Yiming chỉ có một “mục tiêu nhỏ” là đưa ByteDance thành công ty toàn cầu hoá trong vòng ba năm với hơn một nửa người dùng quốc tế. Đó là lối thoát duy nhất giúp Minh thoát khỏi vòng vây của gã khổng lồ Tencent.

TikTok đã không làm Trương Nhất Minh thất vọng. Ứng dụng này bước ra khỏi biên giới Trung Quốc và trở thành hiện tượng toàn cầu. Theo báo cáo của Sensor Tower, công ty phân tích ứng dụng di động, đến tháng 4/2020, TikTok đã vượt mặt YouTube, Tinder, Tencent Video… để trở thành ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới.

Riêng trong quý I/2020 TikTok đã có 315 triệu lượt tải, bỏ xa con số của các “đại gia” phương Tây, như Facebook, Instagram, Snapchat và YouTube. Trong tháng 5, đối mặt với nhiều cáo buộc, TikTok vẫn có hơn 100 triệu lượt tải và đang là mạng xã hội được giới trẻ khắp thế giới ưa chuộng.

ByteDance giờ đây đã thoát khỏi nguy hiểm ở quê nhà, vươn ra thế giới thành công ty toàn cầu như ước vọng ban đầu của Trương Nhất Minh. Nhưng TikTok lại một lần nữa đứng bên bờ vực khi bị hai thị trường lớn nhất ngoài Trung Quốc – Ấn Độ và Mỹ – đồng loạt gây khó dễ.

Một lần nữa gánh nặng lại đè lên vai Trương Nhất Minh.

Theo Sina, cha đẻ của TikTok bước ra thế giới mà không có sự hậu thuẫn của bất kỳ ông lớn công nghệ nào. Minh tự mình làm tất cả để có thể tồn tại. “Nhiều người chỉ làm những việc trong lĩnh vực quen thuộc của họ. Tôi thì không bao giờ đặt ra ranh giới cho mình”, Trương Nhất Minh nói. Mỗi khi công ty gặp các vấn đề rắc rối, ông thường tham gia vào các cuộc thảo luận và tìm cho được biện pháp giải quyết. Ở khía cạnh này, Zhang có nhiều nét tương đồng với tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla. Nhưng người đàn ông đến từ Đại lục lại sống rất khoa học và đặc biệt chú ý đến đời sống tinh thần, chứ không làm việc “bán mạng” như ông chủ của SpaceX. Trương Nhất Minh nói: “Giống robot không phải điều tốt. Mọi người nên ở bên những người khiến cho mình hạnh phúc. Không ai muốn buồn mỗi ngày”.

TikTok có thể phải bán mình?

Dẫu vậy hiện tại họ cũng đang đối mặt với một vài khó khăn. Làn sóng tẩy chay TikTok đang diễn ra không chỉ ở Ấn Độ mà còn cả ở Mỹ, Nhật Bản. Nhiều người tin rằng TikTok có thể trở thành “Huawei thứ 2” khi chịu những đòn trừng phạt mạnh từ Mỹ.

Trương Nhất Minh, Nhà sáng lập TikTok gần đây

đang bị “vây hãm” ở nhiều thị trường. Ông đối phó bằng cách bản địa hóa ứng dụng video ngắn này để giảm bớt áp lực chính trị. Tuy nhiên, ông vẫn đang khó khăn để tìm ra lối thoát, theo bình luận từ một nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ tiền vào công ty mẹ ByteDance của TikTok.

Để bảo vệ TikTok, ByteDance có thể phải xem xét đến việc bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư Mỹ và giữ lại rất ít quyền biểu quyết.

Tin đồn về việc TikTok có thể phải bán cho các nhà đầu tư Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều trong cộng đồng công nghệ. Telegraph dẫn nguồn từ những người trong cuộc cho biết Trương Nhất Minh, “cha đẻ” của TikTok, CEO ByteDance, đang thảo luận với một nhóm nhỏ các nhà đầu tư Mỹ về việc này.

Trương Nhất Minh và TikTok đang đứng trước nhiều lựa chọn quan trọng mang tính sống còn.

Những người trong cuộc được nhắc đến gồm Trương Nhất Minh, Neil Shen của quỹ đầu tư mạo hiển Sequoia Capital và một số nhà đầu tư lớn đến từ Sequoia, General Atlantic và New Enterprise Associates. Theo kế hoạch, nhóm này sẽ thành lập một pháp nhân mới để điều hoành TikTok, ByteDance chỉ giữ một phần nhỏ cổ phần. Điều này có thể giúp TikTok xoá được những cáo buộc là “ứng dụng gián điệp” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này diễn ra, cũng rất khó tách TikTok khỏi nguồn gốc quê nhà. Ứng dụng này thực ra chỉ là một phiên bản đổi tên của Douyin của Trung Quốc. Cả hai có mối quan hệ mật thiết với nhau cả về công nghệ lẫn cách thức hoạt động. Nếu “thay áo” thành một công ty Mỹ, TikTok trong tương lai sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các ứng dụng khác của ByteDance. Đó là một vòng luẩn quẩn phức tạp.

Người phát ngôn của TikTok cho biết khi xem xét những hướng đi tốt nhất cho tương lai, ByteDance cũng nghĩ về khả năng thay đổi cấu trúc của doanh nghiệp. Vị này nhắc lại cam kết bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng khi xây dụng một nền tảng chia sẻ video sáng tạo, vui vẻ và truyền cảm hứng cho hàng trăm triệu người khắp thế giới.

Nếu buộc phải bán mình, đây sẽ là lựa chọn khó khăn nhất với Trương Nhất Minh. “Cha đẻ” của TikTok luôn hướng về mục tiêu lớn nhất của đời mình là điều hành một công ty toàn cầu.

Cẩm Bích (vietnambusinessinsider)